Huế

Lịch sử hình thành


 
Huế nằm ở dải đất hẹp của miền Trung Việt Nam và là thành phố tỉnh lỵ của Thừa Thiên - Huế. Thành phố là trung tâm về nhiều mặt của miền Trung như văn hoá, chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, du lịch, khoa học kỹ thuật, đào tạo... Với dòng sông Hương và những di sản để lại của triều đại phong kiến, Huế, còn gọi là đất Thần Kinh (Kinh thành thần bí) hay xứ thơ, được nhắc tới nhiều trong thơ văn và âm nhạc Việt Nam. Thành phố có hai di sản văn hoá thế giới. Huế là đô thị cấp quốc gia của Việt Nam và cố đô của Việt Nam thời phong kiến dưới triều nhà Nguyễn (1802 - 1945). 

Danh lam thắng cảnh
Thiên nhiên
 
Huế không chỉ là xứ sở của sông Hương - núi Ngự mà Huế có đủ núi - đồi, sông - biển, đầm - phá, đất - cát, cồn - bàu. Huế có các ngọn núi đồi nổi tiếng đã từng đi vào thơ ca nhạc họa như núi Bạch Mã, Kim Phụng, đồi Vọng Cảnh; có dòng sông êm đềm với Hương Giang, An Cựu, bãi biển Cảnh Dương; bãi biển Thuận An, có đầm Chuồn, Cầu Hai; có phá Tam Giang; lại có Cồn Hến, Giã Viên v.v... Thiên nhiên xứ Huế với những phong cảnh hữu tình quyện vào nhau, sơn thủy hữu tình, phong cảnh kỳ thú. 
Kiến trúc cổ

Văn hóa Huế, một nền văn hóa được làm giàu bởi các dòng văn hóa đô thị - văn hóa làng (chùa) và văn hóa cung đình (bác học). Sự dung nạp giữa các dòng văn hóa trên đã làm giàu cho kiến trúc Huế với các công trình nổi tiếng như Hổ Quyền (nơi voi cọp đấu nhau), Văn Miếu, Ðiện Hòn Chén, Cầu Ngói Thanh Toàn, Trường Quốc Học, Ðan viện Biển Ðức Thiên An. 
Chùa

Suốt chiều dài lịch sử, Huế được coi là một trung tâm Phật giáo lớn. Hiện ở Huế có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ. Những ngôi Tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như Chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Từ Đàm, Báo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân,Trúc Lâm, Thiền Tôn, Trà Am, Vạn Phước. Mỗi ngôi chùa ở Huế không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc. Nhiều ngôi chùa đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong đời sống  văn hóa tâm linh Huế. 
 
Chùa Thiên Mụ Hòa quyện với phong cảnh của sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi tiếng nhất đất cố đô đã đi vào tâm thức của bao người dân; là một bộ phận không thể tách rời của xứ Huế.

Chùa Từ Hiếu Cách thành phố Huế năm cây số về phía Tây Nam là một vùng đồi được trồng thông xanh biếc, chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ lớn và đẹp bậc nhất ở Huế.

Chùa Huyền Không 1, 2 Cách thành phố Huế chừng 10 km, đi qua ngôi làng bình dị, tiếng thông và tiếng suối reo sẽ đưa bạn theo một con đường đất gập ghềnh dẫn lên núi Chằm, nơi có một ngôi chùa Huyền Không đơn sơ nhưng lại cuốn hút đến lạ kỳ. 

Nhà thờ
Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế có 45 giáo xứ với hơn 90 nhà thờ lớn nhỏ khác nhau. Gần trung tâm Huế có 2 ngôi giáo đường lớn được xây dựng vào những năm đầu thập niên 60 là nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ðó là 2 giáo đường tiêu biểu cho lối kiến trúc roman – gothique của Thiên chúa giáo Huế. 

Tham quan du ngoạn
Đại Nội  Đây là nơi sinh hoạt của 13 đời vua nhà Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại. Ðại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành với lối kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hoa độc đáo. 

Lăng Tự Đức Là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp. Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.  

Lăng Minh Mạng Còn gọi là Hiếu lăng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km.  Kiến trúc lăng đẹp, hài hòa với thiên nhiên. Du khách có thể thuê 1 chiếc đò chạy ngược dòng sông Hương, vừa đi vừa ngắm cảnh lên đến lăng Minh Mạng. 
 
Lăng Khải Định Còn gọi là Ứng Lăng toạ lạc trên triền núi Châu Chữ bên ngoài kinh thành Huế. So với 6 khu lăng của các vua nhà Nguyễn, lăng Khải Định là lăng được xây sau cùng. Tuy mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất, nhưng đây lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của. 

Biển Thuận An Đặt chân đến đây, khách du lịch sẽ không khỏi thán phục bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ của một vùng trời, vùng biển đặc biệt là khi bình minh lên. Cũng vào buổi bình minh, những phiên họp chợ cá họp ngay tại bãi biển và chỉ diễn ra trong chớp nhoáng, khi bóng nắng trải dài trên bãi cát là kết thúc. 

Biển Lăng Cô Với bờ biển thoải, cát trắng, nước biển trong xanh, nhiệt độ trung bình khoảng 25oC vào mùa hè, Lăng Cô là nơi lý tưởng cho những ai đam mê tắm biển. Ngoài việc tận hưởng những món ăn hải sản tuyệt vời, khách du lịch có thể đến thăm thắng cảnh Chân Mây và làng chài Lăng Cô gần bãi biển. 

 

Phá Tam Giang
 Từ biển Thuận An, xuôi theo dòng sông Ô Lâu để đi dọc theo chiều dài đầm phá. Đi hơn 15 km chạy dọc theo những con sóng, những cánh đồng và những cây cầu, dọc theo con đầm phá, du khách sẽ đến với làng chài Thái Dương Hạ. Đầm phá Tam Giang nằm cách thành Huế 15 km về phía Bắc Thành phố Huế- một mảnh đất anh hùng với những món hải sản tuyệt ngon. 

Tham quan mua sắm

Ở thành phố Huế, các shop thời trang, cửa hàng lưu niệm, gallery, studio mỹ thuật… tập trung ở một số đường phố lớn như: Trần Hưng Ðạo, Hùng Vương, Phan Ðăng Lưu, Lê Lợi, Mai Thúc Loan… Khi du lịch Huế, bạn có thể ghé thăm các cửa hàng, cửa hiệu này để mua sắm một vài thứ cần thiết cho mình hay làm quà cho bạn bè. 
1. Đặc sản
Quà Huế nổi tiếng nhất là nem, chả, tôm chua, mè xững, hạt sen, bánh phu thê, bánh ít đen, các loại bánh hột sen, đậu xanh, bánh trái cây… Khách có thể mua dễ dàng các quà tặng này ở chợ Ðông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc…
2. Đồ lưu niệm
Đến Huế, du khách còn ưa chuộng những sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: nón Huế, các vật dụng, tượng bằng đồng, các đồ chạm trỗ bằng gỗ… Các mặt hàng lưu niệm mỹ nghệ có thể mua ở các phố Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Công Trứ, Lê Lợi… Ngoài ra, các mặt hàng lụa, đồ thêu cao cấp, tranh ảnh… cũng là những món quà đặc sắc của xứ Huế. 

Ẩm thực
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì xứ Huế có tới 1.300 món gồm: món ăn dân gian, món ăn cung đình và món ăn chay.

Ẩm thực cung đình

Huế nổi tiếng bởi phong cách ẩm thực cung đình, được hình thành để phục vụ triều đình nhà Nguyễn trong hơn một thế kỷ đóng đô ở đây. 

Điểm đặc biệt của các món ăn cung đình là kỹ thuật chế biến và sự trình bày cầu kỳ, tinh tế như một môn nghệ thuật. Món ăn cung đình Huế ngoài hình thức trình bày đẹp, hương vị thơm tho, tinh khiết, thanh tao, còn nổi tiếng với tác dụng bồi bổ sức khỏe, điều hòa khí huyết. Khi chế biến món ăn cung đình, người đầu bếp phải nêm gia vị nhiều lần để đảm bảo mùi vị và giữ được chất tươi nguyên của thực phẩm. Sau khi nêm gia vị ướp thực phẩm, đầu bếp cần nêm bổ sung lúc thức ăn đang sôi. Khi tắt lửa phải nêm thêm lần nữa và cuối cùng trước khi bày ra đĩa phải nêm lần cuối. Một món ăn cung đình phải nêm gia vị không dưới 3- 4 lần khi nấu. 

Có thể nói, ẩm thực cung đình Huế là đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam bởi sự tinh túy, cầu kì, trang nhã, đầy sức cuốn hút. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét, người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng. 

Ẩm thực dân gian

Ngoài những nét đặc trưng tổng quát của ẩm thực Việt Nam, ẩm thực dân gian Huế mang những đặc trưng riêng, nổi bật. Một là tính đa dạng, trên mỗi bữa ăn thường với nhiều chất liệu thịt, cá, rau quả và được thể hiện qua nhiều món như canh, kho, luộc, nướng, xào, hấp... Hai là tính mỹ thuật, dù giàu nghèo, mâm cơm bao giờ cũng sắp xếp gọn gàng, tươm tất trên bàn, trên phản, chõng hay trên chiếc chiếu trải giữa nhà; lễ tiệc phải chú ý bày biện, phối hợp màu sắc của các thực đơn. Thứ ba là tính tập thể, tất cả các món đều được bày ra hết, nhất là trọng kỵ giỗ. Thứ tư là tính tinh tế, kế cả món mặn lẫn món chay, người Huế thường đặt tên những tên gọi hoa mỹ cho món ăn. 

Món chay

Người Huế theo Đạo Phật là chủ yếu. Những tu sĩ thực hiện chế độ ăn chay trường, nhưng tín đồ thì có thể theo tâm nguyện mà ăn chay 2,4,6 ngày trong một tháng, hoặc ăn chay 3 tháng hoặc có những người lại ăn chay trường như tu sĩ. Huế là kinh đô xưa, hàng năm vua chúa cũng phải ăn chay trong tuần tế đất trời. Đó là những lý do để món chay Huế phát triển và bảo tồn đến ngày nay. Những món chay được chế biến với những nguyên liệu chủ yếu từ nhóm tinh bột như gạo, sắn, khoai...; các loại rau xanh; các loại đậu nành, đậu lạc, mè và các loại nấm nhưng khi qua chế biến trở thành những món ăn đặc sắc. 

Ăn uống ở Huế

Ở Huế có rất nhiều đặc sản: bánh bèo, nậm, lộc, bánh ướt thịt nướng, nem lụi,  món cơm Hến, bún bò giò heo.... Rất nhiều món ăn trong số này đã hiện diện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và trở thành những món ăn phổ biến.   
 


Bún bò Huế
 là một trong những đặc sản của xứ Huế. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả bò được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ... 
 


Cơm hến
 là món ăn bình dị nhưng khá kỳ công. Hến được đem về rửa sạch, đun sôi rồi cho vào nước lạnh để tách lấy thịt. Thịt hến và nước hến trong là hai vị chủ đạo của cơm hến. Ngoài ra không thể thiếu những thứ gia vị như: mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, ớt màu, đậu phụng nguyên hạt rang dầu, khế chua, rau thơm, bạc hà hay dọc mùng, bắp chuối thái chỉ, nước mắm, hạt tiêu, hành, muối mè, bì lợn rang giòn.  
 


Bánh bèo
 là một món ăn bình dị, dân dã của người Huế. Chiếc bánh bé xíu, dẻo thơm hương bột gạo, vị ngọt của tôm cháy hòa trong chén nước mắm cay làm người ăn phải xuýt xoa khi thưởng thức. Gọi là bánh bèo, đơn giản là vì hình dạng của nó mỏng mảnh, tròn trịa như áng bèo cũng có thể là cách chơi chữ của dân gian bởi giá nó cũng khá phải chăng. Đây là món đặc sản nổi tiếng xứ Huế mà ai khi tới đây cũng phải thưởng thức bằng được mới thôi. 

Huế tuy nhỏ nhưng để thăm và thưởng thức hết các món ăn của Huế cũng phải mất ít nhất là 4- 5 ngày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét